Kiều hối tăng mạnh: “Của biếu cũng là của lo”

Trong năm 2015, theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đón lượng kiều hối khoảng 12,25 tỷ USD, đứng thứ 11 thế giới, tăng nhẹ so với con số 12 tỷ USD của năm 2014, còn xét trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Philippines.

Sẽ còn tiếp tục tăng

Nếu như năm 1991 chỉ có chừng 35 triệu USD kiều hối chuyển về thì năm 2015 đã tăng lên 12,25 tỷ USD, với tốc độ tăng trung bình hàng năm là hơn 38%. Trong đó, theo báo cáo của Ngân hàng VietinBank, chiếm phần lớn trong nguồn kiều hối chuyển về là từ thị trường Mỹ, Úc và Canada, trong đó Mỹ chiếm tỷ lệ lớn nhất với khoảng 7 tỷ USD trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2015.

Đặc biệt, lượng kiều hối chuyển về qua các ngân hàng và các công ty kiều hối bắt đầu tăng mạnh kể từ đầu tuần này và dự báo sẽ rộ lên vào những ngày cuối cùng của năm Ất Mùi.

Ông Trần Văn Trung, Giám đốc công ty kiều hối Đông Á, cho biết, trong năm nay, lượng kiều hối qua công ty đạt doanh số khoảng 1,4 tỷ USD. Đặc biệt, từ 23 tháng Chạp, kiều hối chuyển về sẽ dồn dập, công ty phải tăng cường lực lượng nhằm chi trả kịp thời.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Tp.HCM Nguyễn Hoàng Minh cũng cho biết thông thường, doanh số kiều hối trong quý IV năm cũ và tháng giêng năm mới chiếm đến 40% lượng kiều hối chuyển về trong năm.

Theo các chuyên gia, những lí do khiến lượng kiều hối về Việt Nam tăng mạnh trong những năm qua: Thứ nhất, cùng với cải cách theo hướng thị trường và chính sách mở cửa, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy tự do hóa tài chính, hội nhập và cải cách pháp lý trong lĩnh vực tài chính nói chung và lĩnh vực chuyển tiền nói riêng.

Thứ hai, nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn đã xuất hiện trong hơn hai thập kỷ trở lại đây, đặc biệt là trong thời kỳ bùng nổ và đổ vỡ bong bóng của thị trường bất động sản và chứng khoán.

Thứ ba, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tăng cao, cũng như số lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc nhiều. Và cuối cùng, thị trường dịch vụ kiều hối đang dần phát triển với chất lượng nâng cao và chi phí giảm xuống, thời gian rút ngắn, thủ tục đơn giản.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng kiều hối đóng vai trò lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Trong khi các nguồn tiền từ ODA không phải cho không, biếu không mà là cho vay dài hạn, còn FDI là đầu tư nhằm mục đích kinh doanh kiếm lời và cuối cùng sẽ chuyển trả về nước ngoài, thậm chí để thu hút được nguồn vốn FDI, Việt Nam phải trả bằng quá nhiều ưu đãi, thì kiều hối là nguồn tiền không phải hoàn lại.

Theo thống kê, lượng kiều hối năm 2015 chảy vào BĐS (bất động sản) tăng mạnh, cụ thể theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM, hơn 70,8% kiều hối chuyển về trên địa bàn đã chảy vào sản xuất, kinh doanh; khoảng 21,6% đổ vào BĐS và chỉ khoảng 7% là hỗ trợ thân nhân, gia đình trang trải sinh hoạt, mua sắm, chữa bệnh, xây dựng nhà cửa…

Sức hút từ bất động sản

Điều này cho thấy thị trường BĐS vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, ngân hàng… nhất là trong bối cảnh thị trường BĐS đã ấm lên, giao dịch và giá đều tăng. Một nguyên nhân nữa khiến BĐS hút kiều hối bởi lãi suất tiền gửi USD giảm.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng BĐS đang là kênh hấp dẫn nguồn vốn kiều hối, do thời gian qua, thị trường này đã ấm lên và đây là kênh thu hút vốn FDI thứ hai sau công nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định rằng kiều hối về Việt Nam hầu hết đều tăng qua mỗi năm. Nhưng trong năm vừa qua, lượng tiền này chuyển về Việt Nam càng sôi động hơn, đặc biệt ở thị trường BĐS. Sự ấm lên của thị trường địa ốc là cơ sở để thu hút kiều hối chảy về lĩnh vực này tăng cao. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải cách cơ chế, chính sách, thúc đẩy tự do hoá tài chính, hội nhập.

Với sự hồi phục của thị trường BĐS, lượng kiều hối đang có sự chuyển dịch dần qua lĩnh vực này. Ts. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng Tp.HCM, cho rằng không chỉ diễn ra gần đây mà sắp tới, lượng kiều hối chuyển dịch qua BĐS sẽ tăng mạnh. Từ khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, những quy định cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà được thông thoáng hơn. Do đó, khi Việt Nam hội nhập AEC và TPP, chắc chắn lượng kiều hối sẽ được đổ mạnh vào BĐS.

Theo Vụ Tín dụng, tín dụng BĐS trong năm qua liên tục tăng, tính tới thời điểm cuối năm 2015, dư nợ cho vay kinh doanh BĐS vào khoảng 360.000 tỷ đồng. Như vậy, so với con số cách đây 3 năm (2012) khoảng 197.000 tỷ đồng thì các ngân hàng đã “bơm” vào lĩnh vực địa ốc khoảng 163.000 tỷ đồng (khoảng 7,4 tỷ USD) tương đương tăng khoảng 80%.

Theo Ts.Tín, một khi tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu nóng, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa có thể dẫn tới nguy cơ bùng nổ lạm phát và “bong bóng” tài sản trong giai đoạn sau. Do đó, cần thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường BĐS và ngăn ngừa sự hình thành “bong bóng” BĐS có tính chu kỳ.

Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cũng cho rằng tín dụng BĐS là một “cái bẫy” hấp dẫn. Vì thế, nếu các ngân hàng tập trung quá nhiều vào BĐS, tới lúc thị trường đảo chiều, chính ngân hàng sẽ phải gánh chịu hậu quả rất lớn.

Cùng với đó, các chuyên gia cũng cho rằng nếu hướng được kiều hối vào sản xuất sẽ là nguồn lực rất lớn thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, trước hết cần phải ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách chính sách, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch… tức là tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, giảm chi phí giao dịch doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, phải coi kiều hối là nguồn tài chính hùng hậu có thể giúp nền kinh tế phát triển thông qua kênh kinh tế dân doanh của mỗi hộ gia đình. Từ đây, phải có một ý niệm rõ ràng về vai trò, đóng góp của kiểu hối với nền kinh tế từ khi khởi thủy đến bây giờ.

Nên có chính sách đặc biệt thu hút và vận dụng kiều hối vào phát triển kinh tế, tức phải có chính sách ưu đãi đối với kiều hối không kém hơn đối với FDI, đồng thời phải có chính sách ứng xử với Việt kiều như thế nào cho phù hợp, tạo được lòng tin.

Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội

Để sử dụng kiều hối hiệu quả, trước hết phải có chính sách với người nhận được kiều hối, phải tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ họ đầu tư, sử dụng nguồn tiền tiết kiệm nhàn rỗi đó ra sao. Nói rộng ra là phải có chính sách phát triển ngành kinh tế dân doanh trong nước, trong đó có nguồn vốn từ kiều hối gửi về. Như vậy, kiều hối gửi về sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn. 

Ông Bùi Kiến Thành - Chuyên gia Kinh tế

Theo tôi, có hai mô típ kiều hối là tình thương và đầu tư. Ở mô típ đầu tiên là nghĩa vụ gia đình, bạn bè, người thân, chủ yếu là tự nguyện. Mô típ thứ hai phụ thuộc khá nhiều vào môi trường kinh doanh ở ta có hấp dẫn không, liên quan đến nhiều chính sách. Ví dụ, điều kiện cần cải thiện liên quan đến đầu tư là điều kiện sở hữu đất và giao dịch nhà ở nói riêng. Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi gần đây cho phép Việt kiều sở hữu nhà ở là một bước tiến quan trọng.

Ông Võ Trí Thành - Viện phó Viện Quản lý Kinh tế Trung ương

Điểm bất cập là kiều hối về nhưng không được đầu tư theo định hướng, Nhà nước không kiểm soát được nên nhiều khi lợi bất cập hại. Vấn đề hiện nay là làm sao thu hút được kiều hối vào sản xuất chứ không phải là tiêu dùng. Muốn làm được như vậy, phải có cơ chế đảm bảo kiều hối đầu tư vào sản xuất phải đạt được lợi nhuận cao hơn gửi tiền tiết kiệm ở Việt Nam hoặc nước sở tại. Như vậy, phải có cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Nguồn: CafeF