Điện thoại thay thế ví tiền, thúc đẩy nền kinh tế thời kỳ Covid-19

Mobile Money là dạng ví điện tử không có tài khoản ngân hàng (thanh toán qua tài khoản viễn thông), dùng để thực hiện những giao dịch nhỏ, với mức dự kiến thanh toán là 10 triệu đồng/tháng. Mô hình được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trình Chính phủ từ tháng 5/2019.

Cùng với xu thế phát triển tất yếu của thanh toán không tiền mặt, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng nổ, càng cho thấy sự cần thiết Mobile Money.

Xóa bỏ nỗi lo tiền mặt

Anh Nguyễn Tuấn Long, một nhân viên giao hàng tại Hà Nội thường xuyên phải tiếp xúc với tiền mặt để trả lại cho khách. Trung bình mỗi ngày, anh Long giao cả trăm đơn hàng, với tổng số tiền có ngày lên tới hàng chục triệu đồng.

Theo anh Nguyễn Tuấn Long, phần lớn đơn hàng là giao rồi thu tiền, số lượng khách thanh toán trước qua thẻ thường rất ít. Vì thế, vừa thu tiền vừa trả lại cho khách khiến anh mất nhiều thời gian. Nhiều trường hợp không đủ tiền để trả lại, cả hai bên phải đi khắp nơi để đổi.

Còn với chị Phạm Thu Trang, quận Đống Đa, Hà Nội, sử dụng ví điện tử thanh toán các giao dịch thường ngày là chuyện quen thuộc, tuy nhiên không tránh được đôi khi vẫn phải ghé chợ mua đồ trong lúc nhỡ nhàng.

“Không phải lúc nào cũng tiện vào siêu thị để lấy một vài món đồ nhỏ thì tôi sẽ ghé chợ hoặc đại lý. Việc thanh toán tiền mặt những khoản lặt vặt đó đôi khi cũng gây phiền phức nhất định. Nhất là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo về nguy cơ lây nhiễm virus từ tiền mặt, nên nếu có giải pháp giúp thanh toán dễ dàng những khoản tiền nhỏ, nhất qua smartphone thì rất tốt cho cả người mua và người bán”, chị Trang chia sẻ.

Bán được mớ rau 15.000, bà Nguyễn Thị Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) loay hoay tìm tiền lẻ để trả lại khách hàng. Việc phải chuẩn bị trước một lượng lớn tiền mặt để trả lại, mặc dù số tiền lãi bán rau mỗi ngày chỉ vài trăm nghìn đồng là chuyện thường ngày của những người buôn bán.

“Nhiều người mua mớ rau chỉ 10.000 – 15.000 đồng nhưng lại đưa tờ 100.000 - 200.000 đồng, thậm chí là 500.000 đồng. Nếu người quen, tôi đành cho mua nợ. Người lạ mà không đủ tiền trả lại thì coi như không bán được hàng. Ngày kiếm được có vài trăm nghìn tiền chợ nên không bán được hàng là sót ruột lắm”, bà Mai nói.

Thanh toán qua điện thoại dự báo sẽ gia tăng

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thực tế hiện có tới 99% các giao dịch dưới 100.000 đồng ở Việt Nam là bằng tiền mặt. Giải pháp Mobile Money được đánh giá là một lời giải cho việc thanh toán không tiền mặt, thậm chí là cả với những người buôn bán nhỏ như các bà bán rau, chị hàng cá...

Việt Nam có nhiều lợi thế để áp dụng mô hình Mobile Money khi số người sử dụng smartphone hiện là hơn 70 triệu/96 triệu dân.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đây sẽ là giải pháp để người nghèo khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận các dịch vụ trên nền tảng internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm và an sinh xã hội. Dịch vụ này cho phép những người không có tài khoản ngân hàng có thể gửi, rút, chuyển tiền bằng điện thoại của mình và thanh toán các hóa đơn, mua hàng hóa tại cửa hàng.

“Nếu cấp phép dịch vụ Mobile Money cho các nhà mạng viễn thông, vùng phủ dịch vụ thanh toán điện tử sẽ mau chóng đến 100% người dân. Điều này sẽ thúc đẩy thương mại điện tử, các sàn giao dịch hàng hoá nông nghiệp, nhất là vùng xa, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy các công ty Fintech, các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp tăng trưởng kinh tế. Tất cả các quốc gia cho phép Mobile Money đều tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Mới đây, tại chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN trình ngay quyết định cá biệt về việc thí điểm Mobile Money.

Theo Vân Anh

VOV